Công ty TNHH Sơn Lâm cho rằng, Quyết định của Tòa án nhân dân huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ đang xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công ty.
Tòa soạn Pháp luật Plus nhận được phản ánh của Công ty TNHH Sơn Lâm, phản ánh việc Công ty TNHH Sơn Lâm có ký hợp đồng vay vốn tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Chi nhánh huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ bằng tài sản đảm bảo.
Đơn có nêu rõ: “Ngày 17/02/2020, Tòa án nhân dân huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2020/QĐ-BPKCTT đối với Công ty TNHH Sơn Lâm.
Phía Công ty TNHH Sơn Lâm cho rằng, Quyết định trên của Tòa án nhân dân huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ là không thỏa đáng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, ảnh hướng đến uy tín của công ty” – Hết trích Đơn.
Được biết, Công ty TNHH Sơn Lâm đã làm đơn khiếu nại Quyết định 01/2020/QĐ-BPKCTT ngày 17/02/2020 của Tòa án nhân dân huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.
Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ pháp lý Luật sư Khương Tân Phương – Trưởng Văn phòng Luật sư Thuận Nam, thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: Việc Tòa án nhân dân huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2020/QĐ-BPKCTT ngày 17/02/2020 đối với Công ty TNHH Sơn Lâm là hoàn toàn không có căn cứ.
Pháp luật Plus xin trích đăng quan điểm của Luật sư Khương Tân Phương liên quan sự việc này: Thứ nhất: Trong Quyết định số 01/2020/QĐ-BPKCTT có nêu ra căn cứ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản tại Ngân hàng của Công ty TNHH Sơn Lâm là “Căn cứ vào khoản 1 Điều 111 và khoản 1 Điều 112 của Bộ luật Tố tụng dân sự”.
Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 111 Bộ luật tố tụng dân sự có quy định: “Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.”
Như vậy, để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự phải thõa mãn điều kiện là “Trong quá trình giải quyết vụ án”. Trong khi đó, tại thời điểm ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2020/QĐ-BPKCTT thì Tòa án nhân dân huyện Yên Lập còn chưa ra Thông báo thụ lý vụ án đối với vụ án này. Do đó, Tòa án nhân dân huyện Yên Lập ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời căn cứ khoản 1 Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự khi chưa có Thông báo thụ lý vụ án là hoàn toàn trái quy định của pháp luật.
Thứ hai: Căn cứ khoản 2 Điều 139 Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định: “Tòa án phải cấp hoặc gửi quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi ra quyết định cho người có yêu cầu, người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và Viện kiểm sát cùng cấp.”
Nhưng kể từ ngày Tòa án ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2020/QĐ-BPKCTT cho đến nay thì Công ty TNHH Sơn Lâm và Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Lập chưa hề nhận được Quyết định này. Vì vậy, Tòa án nhân dân huyện Yên Lập đã vi phạm nghiêm trọng về trách nhiệm gửi Quyết định cho các đối tượng có liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều 139 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Thứ ba: Trong quá trình Công ty TNHH Sơn Lâm vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ thì đã thế chấp tài sản đảm bảo việc vay vốn theo đúng quy định của Ngân hàng và Luật các Tổ chức tín dụng. Nếu xảy ra tranh chấp, Ngân hàng có quyền khởi kiện và yêu cầu xử lý số tài sản bảo đảm này.
Như vậy, trong trường hợp Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh huyện Yên Lập chưa khởi kiện, toà án chưa thực hiện việc thẩm định, định giá, bán đấu giá tài sản của Công ty TNHH Sơn Lâm xem tài sản đảm bảo có đủ điều kiện đảm bảo khoản vay với ngân hàng hay không, thì Tòa án căn cứ vào đâu để ra quyết định biện pháp khẩn cấp tạm thời khi chưa triệu tập lấy lời khai hay lấy ý kiến của bị đơn và không có bất kỳ cơ sở nào để xác định việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản của Công ty TNHH Sơn Lâm là biện pháp cấp bách hay ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng xảy ra đối với Ngân hàng.
Trong khi đó, việc vay vốn của Công ty TNHH Sơn Lâm đã được Công ty này thế chấp bằng tài sản của Công ty đảm bảo nghĩa vụ tiền vay. Không những vậy, việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản tại Ngân hàng của Công ty TNHH Sơn Lâm trái quy định của pháp luật như trên đã gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty, gây mất uy tín, thương hiệu của Công ty đối với đối tác, khách hàng.
Thứ tư: Khi đại diện của Công ty TNHH Sơn Lâm trực tiếp làm việc với đại diện Tòa án nhân dân huyện Yên Lập về sự việc nêu trên, Thẩm phán Phạm Tuấn Anh cho rằng việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này thực hiện theo đơn yêu cầu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Do đó, nếu xảy ra thiệt hại thì Ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm bồi thường.
Tuy nhiên, căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước 2017, khoản 7 Điều 3 có quy định: “Cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật về tố tụng”. Vì vậy, nếu Tòa án nhân dân huyện Yên Lập ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2020/QĐ-BPKCTT ngày 17/02/2020 căn cứ trái quy định của pháp luật mà gây thiệt hại cho Công ty TNHH Sơn Lâm thì phải chịu trách nhiệm bồi thường” – Hết trích đăng.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.
Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/vi-dau-tand-huyen-yen-lap-voi-va-ban-hanh-quyet-dinh-ap-dung-bien-phap-khan-cap-tam-thoi-d117849.html