Theo thông tin, vào khoảng 16h (31/8), sau khi làm việc với UBND phường Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) trên đường ra về phóng viên Nguyễn Văn Duẩn và một đồng nghiệp là Ma Quang Khánh (Cộng tác viên) công tác tại báo Gia đình Việt Nam đã bị một người phụ nữ và một thanh niên chặn xe, hành hung.
Khi bị các đối tượng hành hung, anh Duẩn bị chảy máu mũi, xưng, rách ở khóe miệng, còn anh Khánh bị thương nhẹ. Sau đó anh Duẩn và anh Khánh đã đến Công an phường Nhật Tân trình báo sự việc trên.
Được biết trong thời gian vừa qua, 2 Phóng viên của báo Gia Đình Việt Nam đã có một số bài viết liên quan đến sai phạm của một phòng khám bệnh trên địa bàn phường Nhật Tân.
![]() |
Phóng Viên Nguyễn Duẩn bị hành hung sau khi rời UBND phường Nhật Tân. |
Việc Phóng viên, nhà báo từ trước tới nay đi tác nghiệp bị cản trở, hành hung diễn ra không phải là hiếm. Nhiều phóng viên bị tấn công khi tác nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, làm cản trở hành trình tìm kiếm, đấu tranh với cái ác, cái xấu, cái tiêu cực.
Gần đây nhất là một nhà báo (phóng viên báo Infonet thường trú tại Đà Nẵng) liên tục bị kẻ xấu đe dọa, uy hiếp tinh thần bằng tin nhắn điện thoại với lời lẽ đe dọa hay hắt dầu luyn vào nhà, thậm chí phóng viên này bị mộ số đối tượng định thả rắn độc vào nhà để đe dọa.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Phapluatplus.vn, Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng Văn phòng Luật sư Thuận Nam (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, hành vi của hai đối tượng khi hành hung phóng viên nếu xác định được thương tật trên 11%, hoặc dưới 11% khi các đối tượng dùng hung khí nguy hiểm…thì có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ Luật Hình sự;
hoặc xử phạt hành chính theo Khoản 2, điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình.
Điều 104 Bộ Luật hình sự quy định như sau:
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
![]() |
Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng Văn phòng Luật sư Thuận Nam (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) |
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Từ những vụ việc trên, thiết nghĩ, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải “mạnh tay” hơn nữa, phải có chế tài cụ thể đối với nhưng hành vi trên.
Điều 7. Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định về “Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí” như sau: 1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên. 2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp. 3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên; c) Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên. |
N. Trường – Duy Khương