(PL+) – Trước những lùm xùm xung quanh việc thoái vốn Nhà nước ở Pisico Bình Định, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng văn phòng luật sư Thuận Nam – Đoàn luật sư Hà Nội để có góc nhìn khách quan.
Như Pháp luật Plus đã thông tin, vừa qua, Pháp luật Plus nhận được phản ánh xung quanh nội dung có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động tổ chức lựa chọn nhà thầu tham gia đấu giá cổ phần thoái vốn Nhà nước tại Pisico Bình Định (Pisico Bình Định).
![]() |
Trụ sở Pisico Bình Định. |
Công ty Ánh Vy cũng đã lên tiếng, lãnh đạo Tổng Công ty Pisico Bình Định cũng đã phát ngôn xung quanh những lùm xùm trong việc nhận hồ sơ bán phần vốn Nhà nước tại chính Pisico Bình Định.
Được biết, theo kế hoạch thì ngày 30/6/2017, UBND tỉnh Bình Định cùng các đơn vị trực thuộc có liên quan sẽ tổ chức buổi đấu giá bán 86% phần vốn nhà nước còn lại tại Tổng Công ty Pisico Bình Định. Đây là công ty được thành lập từ năm 1985, vốn điều lệ là 275 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay, kế hoạch này vẫn đang bị tạm dừng mà chưa rõ nguyên do.
Tiêu chí chuẩn
Pháp luật Plus xin điểm lại một số dấu mốc quan trọng trong vụ việc nêu trên:
Ngày 30/11/2016, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký văn bản số 5488/UBND-TH về việc thực hiện thoái vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Pisico – Công ty Cổ phần (gọi tắt là Pisico).
Tại văn bản này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thống nhất các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư theo các tiêu chí mà Sở Tài chính đã thẩm tra.
Một trong các tiêu chí quan trọng mà UBND tỉnh yêu cầu, đó là nhà đầu tư phải có năng lực tài chính. Năng lực tài chính của nhà đầu tư thể hiện ở việc:
“Có vốn chủ sở hữu tại thời điểm đăng ký đạt tối thiểu 300 tỷ đồng (căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán), tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần tại thời điểm 30/6/2016, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh có lợi nhuận sau thuế dương trong 3 năm liên tiếp trước khi đăng ký làm nhà đầu tư.
Không bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận về tình hình tài chính không lành mạnh. Chứng minh nguồn tài chính để mua cổ phần theo giá trị tối thiểu bằng mệnh giá cố phần đăng ký mua của cấp có thẩm quyền (trường hợp là nhà đầu tư cá nhân). Phải đặt cọc ngay 10% giá trị cổ phần theo mệnh giá của số lượng cổ phần đăng ký mua”.
Trên cơ sở các tiêu chí này, từ ngày 7/4/2017 đến ngày 9/4/2017, Tổng Công ty Pisico đã đăng tải trên báo chí về việc tìm đối tác mua phần vốn Nhà nước tại Tổng Công ty và đồng thời đăng thông báo và các tài liệu liên quan trên website của Pisico, Quỹ Đầu tư, Sở Tài Chính…
Bà Đồng Thị Ánh – Giám đốc Công ty TNHH Ánh Vy xác nhận, công ty của bà chưa có kiểm toán. Tuy nhiên, bà Ánh cho rằng, theo quy định hiện hành thì đối tượng công ty TNHH như của công ty của bà không thuộc diện kiểm toán bắt buộc. Chính vì suy nghĩ như vậy, nên Công ty Ánh Vy mới nộp hồ sơ tham gia. Ông Nguyễn Đức Huyện – Chủ tịch HĐQT Pisico Bình Định cho hay:Chủ trương thoái vốn Nhà nước tại Pisico là đúng đắn. Tuy nhiên, trong tiến trình thực hiện thoái vốn vừa qua, có nhiều điểm chưa hợp lý, trong đó có việc tỉnh để Công ty TNHH Ánh Vy (trụ sở tại TP Quy Nhơn, Bình Định) vào danh sách đấu giá. |
Sau 10 ngày nhận hồ sơ thì có 3 nhà đầu tư đã nộp hồ sơ đăng ký bao gồm: Công ty CP Xuất Nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (trụ sở ở quận 1, TP HCM); Công ty CP Đầu tư và phát triển Đức Quân (ở TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) và Công ty TNHH Thương mại Ánh Vy (ở TP Quy Nhơn, Bình Định).
Để thực hiện xét các hồ sơ của các nhà đầu tư nói trên, người được UBND tỉnh ủy quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Pisico (ông Nguyễn Tấn Binh – Giám đốc Tổng Công ty Pisico) đã thành lập Tổ xét thầu và chào giá cạnh tranh để thực hiện thoái vốn Nhà nước tại Pisico.
Ngày 26/4, Tổ xét thầu đã tổ chức xét hồ sơ của của các nhà đầu tư tham gia mua phần vốn Nhà nước tại Pisico. Kết quả, Tổ xét thầu đã chọn được hai nhà đầu tư đảm bảo tiêu chí tham gia mua phần vốn Nhà nước tại Pisico, đó là Công ty CP Xuất Nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đức Quân.
Riêng Công ty TNHH Thương mại Ánh Vy không đảm bảo tiêu chí tham gia mua. Lý do là vì, báo cáo tài chính các năm 2014, 2015, 2016 của doanh nghiệp này chưa được kiểm toán.
Ngoài ra, điều lệ tổ chức hoạt động của Công ty Ánh Vy chưa sửa đổi bổ sung phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới nhất (vốn điều lệ).
UBND tỉnh Bình Định nên lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực
![]() |
Luật sư Khương Tân Phương – Trưởng văn phòng luật sư Thuận Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội |
Để có góc nhìn khách quan, Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi với Luật sư Khương Tân Phương – Trưởng văn phòng luật sư Thuận Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội – Luật sư Phương cho hay: “Dựa trên những thông tin mà Pháp luật Plus đã đăng tải, và những văn bản được cung cấp. Tôi cho rằng, Tổ xét thầu của Pisco Bình Định đã làm rất đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao. Xem xét các tiêu chí một cách chặt chẽ mà UBND tỉnh Bình Định do ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu tại văn bản số 5488/UBND-TH về việc thực hiện thoái vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Pisico – Công ty Cổ phần.
Từ đây, có thể thấy, 2 nhà đầu tư đủ năng lực như tiêu chí UBND tỉnh Bình Định nêu đó là Công ty CP Xuất Nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đức Quân. Công ty không đủ năng lực theo tiêu chí đó là Công ty TNHH Thương mại Ánh Vy.
Như vậy, xét về mặt pháp lý, tôi đề nghị UBND tỉnh Bình Định nên có những quyết định đúng đắn lựa chọn những nhà đầu tư đáp ứng đầy đủ tiêu chí, năng lực để gồng gánh Picoco Bình Định vượt qua khó khăn. Không nên lựa chọn những doanh nghiệp yếu về quản lý kinh tế, năng lực kém”.
Chính phủ quyết liệt
Liên quan đến việc Cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, mới đây (ngày 11/7) Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ Đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN) đã chủ trì cuộc họp sơ kết công việc 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo.
![]() |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có trao đổi: “Làm chậm mà chắc, làm đến đâu tốt đến đó, đảm bảo lợi ích cao nhất của đất nước. Làm nhanh mà làm ẩu, sai phạm là rất đáng phê phán”.
Phó Thủ tướng cho biết nếu từ nay tới cuối năm cổ phần hóa thành công được một DN lớn thì tỷ lệ vốn hoá được chuyển đổi sở hữu sẽ rất lớn, tạo ra quản trị tốt. Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Dứt khoát phải phấn đấu để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn của năm 2017, thậm chí vượt mức số lượng DN cổ phần hóa, thoái vốn và cả chỉ tiêu thu ngân sách từ thoái vốn”.
Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ đổi mới sắp xếp DN cổ phần hóa và thoái vốn DN theo Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về sắp xếp, đổi mới DNNN.
Ở diễn biến khác, đăng tải trên trang baobinhdinh.com.vn có dòng tin, “Ngày 3/5/2017, UBND tỉnh đã có báo cáo gửi Bộ Tài chính về tình hình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2016 và quý I.2017. Thoái toàn bộ vốn nhà nước trong năm 2017 tại 6 doanh nghiệp, trong đó có Tổng Công ty PISICO Bình Định – CTCP;…”.
Có thể thấy, năm 2017, UBND tỉnh Bình Định phải hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Pisico Bình Định, tuy nhiên nay đã là giữa tháng 7/2017 mà việc Cổ phần hóa tại doanh nghiệp này đang có dấu hiệu chững lại. Vậy, liệu đến hết năm 2017 UBND tỉnh Bình Định có hoàn thành kế hoạch mình đề ra?
Như vậy, có thể thấy sự vào cuộc chỉ đạo một cách quyết liệt từ Chính phủ và các Bộ, ngành xung quanh vấn đề Cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty. Tuy nhiên, việc thực hiện như thế nào thì phải chờ kết quả từ chính các đơn vị này!
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.
Chí Kiên
Nguồn: http://www.phapluatplus.vn/ky-3–luat-su-de-nghi-tinh-binh-dinh-lua-chon-nha-dau-tu-du-nang-luc-dung-tieu-chi-d48255.html