Đúng vào ngày truyền thống luật sư Việt Nam năm nay (10-10), bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư 46/2019 quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của BLTTHS 2015 liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, người bị bắt, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, đương sự…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 2-12-2019 và thay thế Thông tư 70/2011 cũng của bộ này.
Quy định để có luật sư bên cạnh sớm nhất
Thông tư 46/2019 có nhiều quy định mới về thông báo, tiếp nhận, giải quyết thủ tục đăng ký bào chữa theo hướng luật sư có thể tiếp cận sớm nhất nhằm hỗ trợ pháp lý cho người bị buộc tội, đề cao trách nhiệm và thời hạn giải quyết các yêu cầu.
Cụ thể, Thông tư 46 đã khẳng định ngay từ khi tiếp nhận người bị bắt, bị tạm giam, giao nhận các quyết định tố tụng, điều tra viên (ĐTV) phải lập biên bản ghi rõ ý kiến của người bị buộc tội về việc có nhờ người bào chữa hay không, cách thức giải quyết yêu cầu nói trên để CQĐT thực hiện các quy định của BLTTHS 2015.
Việc tiếp nhận thủ tục, yêu cầu được quy định rõ tại nơi tổ chức trực ban hình sự của CQĐT hoặc nơi trực ban của nhà tạm giữ, trại tạm giam, đóng dấu tiếp nhận giờ, ngày, tháng vào sổ tiếp nhận và sổ đăng ký bào chữa, bảo vệ quyền lợi.
Trường hợp người bị buộc tội từ chối yêu cầu nhờ luật sư của người thân thích, trong vòng 12 giờ đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt và 24 giờ đối với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, ĐTV hoặc cán bộ điều tra có trách nhiệm thống nhất về thời gian với người bào chữa để trực tiếp gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, xác nhận việc từ chối và phải lập biên bản.
Cụ thể hóa BLTTHS 2015, lần đầu tiên Thông tư 46 quy định về thời điểm, thủ tục tham gia của luật sư nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Điều này có nghĩa là kể từ khi có quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và có căn cứ xác định tư cách tham gia tố tụng, luật sư đã có thể có mặt, ở bên cạnh người bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố khi được triệu tập lần đầu tiên đến làm việc.
Hai trình tự gặp, làm việc của luật sư
Thông tư 46 đã quy định và phân biệt rõ hai trình tự gặp, làm việc của luật sư sau khi đã được cấp thông báo đăng ký bào chữa.
Một là trình tự gặp, tham dự hỏi cung do CQĐT, ĐTV chủ động tiến hành theo kế hoạch điều tra. Trường hợp này CQĐT phải báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành tố tụng để luật sư tham gia tối thiểu 24 giờ đối với luật sư cư trú cùng địa phương, 48 giờ đối với luật sư cư trú khác địa phương trước ngày tiến hành hoạt động tố tụng.
Chính vì vậy, khi lấy lời khai người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, hỏi cung bị can nếu ĐTV đồng ý cho người bào chữa, người bảo vệ được hỏi thì phải ghi câu hỏi, câu trả lời của người bị buộc tội, đương sự vào biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung bị can.
Khi kết thúc việc lấy lời khai, hỏi cung bị can, ĐTV, cán bộ điều tra phải đọc lại hoặc đưa cho người bào chữa, bảo vệ đọc lại, ký tên trên biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung.
Hai là trình tự luật sư được quyền chủ động gặp người bị tạm giữ, tạm giam không phụ thuộc vào kế hoạch hỏi cung, làm việc của CQĐT, ĐTV (trừ trường hợp vụ án xâm phạm an ninh quốc gia). Điều 12 Thông tư 46 quy định khi luật sư đề nghị gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt và đã xuất trình văn bản thông báo người bào chữa và thẻ luật sư thì cơ quan đang thụ lý vụ án phải bố trí để người bào chữa gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt tại trụ sở của mình.
Cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết việc gặp của người bào chữa để cử người phối hợp với cơ sở giam giữ giám sát cuộc gặp nếu xét thấy cần thiết. Điều này có nghĩa là luật sư thông báo trước và được chủ động vào làm việc với người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam. cơ quan thụ lý vụ án (sau khi được thông báo từ cơ sở giam giữ) không thể viện lý do bận công việc hay không có người vào tham dự cùng để cản trở việc gặp, làm việc của luật sư.
Không hạn chế số lần, thời gian luật sư gặp thân chủ
Nhằm bãi bỏ quy định bất hợp lý, hạn chế thời gian gặp, làm việc của luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam trong vòng 1 giờ, Thông tư 46 lần đầu tiên quy định việc gặp người bị tạm giữ, tạm giam của người bào chữa được thực hiện trong giờ làm việc của cơ sở giam giữ. CQĐT, cơ sở giam giữ không được hạn chế số lần và thời gian trên một lần gặp của người bào chữa với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam. LS- TS PHAN TRUNG HOÀI