Nữ tử tù mang thai sẽ được giảm án ra sao?

Câu chuyện nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ bất ngờ mang thai trong thời gian chờ thi hành án tử hình tại trại tạm giam công an tỉnh Quảng Ninh khiến nhiều người băn khoăn về chế độ giam giữ phạm nhân, nhất là các phạm nhân bị kết án tử hình hiện ra sao?

Luật sư Phạm Tấn Thuấn – Đoàn luật sư TP HCM cho biết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thì trại tạm giam phải có buồng riêng để giam người có án tử hình, không giam chung với các buồng để tạm giữ hay các buồng giam khác.

Quản lý người bị kết án tử hình phải rất chặt chẽ

Cũng theo luật sư Phạm Tấn Thuấn, đối với người bị kết án tử hình đang chờ thi hành án bị tạm giam tại trại tạm giam thì việc quản lý, giam giữ các tử tù này cần đảm bảo thực hiện đúng theo theo Thông tư số 39/2012/TT-BCA ngày 4/7/2012 của Bộ Công an.

Theo đó, trại tạm giam phải tổ chức khu vực riêng để giam người bị kết án tử hình và phải có biển ghi rõ là khu giam người bị kết án tử hình.

Buồng giam người bị kết án tử hình phải được xây dựng kiên cố (theo mẫu thống nhất của Bộ Công an), bảo đảm đủ ánh sáng, có cùm chân và được trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để theo dõi, giám sát.

Khu vực, buồng giam người bị kết án tử hình phải bảo đảm yêu cầu quản lý, giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ 24/24 giờ trong ngày. Nếu người bị kết án tử hình là nữ thì phải bố trí cán bộ quản giáo nữ phụ trách.

Trường hợp người bị kết án tử hình có biểu hiện tự sát, chống phá, trốn khỏi nơi giam hoặc có hành vi nguy hiểm khác (đây là biểu hiện rất thường thấy ở những tử tù đang chờ thi hành án) thì có thể bị cùm một chân cả ngày, đêm (24/24);

Khi bị cùm thì mỗi tuần người bị kết án được đổi chân cùm ít nhất một lần; mỗi ngày được mở cùm chân một lần, mỗi lần không quá 15 phút để người bị kết án làm vệ sinh cá nhân.

Trước khi mở cùm chân phải được sự đồng ý của giám thị trại tạm giam. Khi cán bộ quản giáo mở cùm chân phải có cán bộ hoặc chiến sĩ vũ trang bảo vệ giám sát chặt chẽ.

Mọi sinh hoạt của người bị kết án tử hình đều phải được thực hiện trong buồng giam.

Nếu mà trường hợp có tử tù tuyệt thực, trại tạm giam phải lập biên bản, làm rõ nguyên nhân, lý do tuyệt thực và thông báo cho cơ quan điều tra, viện KSND và TAND cấp tỉnh nơi trại tạm giam đóng để phối hợp giải quyết.

Giám thị trại tạm giam phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ – kỹ thuật để chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời người bị kết án tử hình trốn hoặc tự sát hoặc có hành vi nguy hiểm khác.

Trại tạm giam công an Quảng Ninh đã vi phạm quy định

Hàng ngày, cán bộ quản giáo phải kiểm tra người và buồng giam; kiểm tra cùm của người bị kết án tử hình để kịp thời phát hiện, thu giữ những vật cấm đưa vào buồng giam người bị kết án tử hình.

Khi mở cửa buồng giam, mở cùm chân, cán bộ quản giáo phải trực tiếp mở và đóng khoá. Phải có sổ theo dõi, kiểm tra người, buồng giam, cùm chân, việc mở, đóng cửa buồng giam người bị kết án tử hình;

Trong sổ theo dõi phải ghi rõ tình trạng buồng giam, cùm, khoá, ngày, giờ, lý do thực hiện các công việc, người thực hiện; tình trạng sức khỏe, biểu hiện tâm lý, diễn biến tư tưởng của người bị kết án tử hình và những vấn đề khác có liên quan;

Trong mỗi lần kiểm tra, các thành viên tham gia kiểm tra đều phải ký vào sổ theo dõi. Nếu qua theo dõi, kiểm tra, phát hiện có biểu hiện khác thường, phải báo cáo ngay Giám thị để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tương tự, cũng do tính chất đặc biệt của việc tạm giam tử tù để chờ thi hành án, các chế độ khác của tử tù như thăm gặp người thân, khám chữa bệnh, nhận đồ tiếp tế, thư tín… đều nghiêm ngặt hơn phạm nhân, người bị tạm khác.

Như vậy trong trường hợp Trại tạm giam Quảng Ninh không giam giữ Nguyễn Thị Huệ ở khu giam riêng dành cho người có án tử hình mà giam chung buồng dành cho phạm nhân bị kỷ luật là không đúng quy định.

Chính vì sự lỏng lẻo trong quản lý này, đã có sơ hở và để lại hậu quả là Huệ đã lợi dụng để cấu kết với nam phạm nhân tìm cách thụ thai ngay trong thời chờ thi hành án tử hình.

Tin Liên Quan