Tranh chấp về đất đai có phải hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã?

Tóm tắt câu hỏi:

Gia đình tôi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phía sau nhà tôi là đất thổ cư và đất vườn tạp giáp với mặt đường Quốc lộ, nhưng do không đi từ đường quốc lộ vào nhà mà đi theo đường xóm từ trước, vào những năm 1990 có hộ gia đình mua đất bên cạnh nhà tôi và đã lấn chiếm một phần góc vườn nhà tôi rồi xây lên một quán nhỏ, gia đình tôi đã có ý kiến nhưng cơ sở xóm lúc đỏ giải quyết vẫn công nhận khu đất đó thuộc quyền sở hữu của nhà lấn chiếm. (Hiện tại theo bản đồ quán đó và một phần đất nhà tôi thuộc hành lang cầu), từ năm 2014 đến nay, gia đình đó lại tiếp tục cơi nới đổ đất tràn cả sang phần đất trống của nhà tôi để mở rộng quán, gia đình tôi đã làm đơn yêu cầu giải quyết nhưng vẫn chưa xong, vậy tôi muốn hỏi bây giờ gia đình tôi muốn đòi lại khu đất gia đình kia lấn chiếm làm quán có được không và gia đình tôi có vi phạm đất hành lang cầu không. (Vì nguồn gốc đất đai do ông nội để lại, chưa từng được đền bù hiện tại nhà tôi đang trồng chuối không xây dựng bất cứ công trình nào), thủ tục hồ sơ kiện nếu địa phương không hòa giải được và yêu cầu gia đình nhà kia tháo dỡ?

Luật sư tư vấn:

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến VĂN PHÒNG LUẬT SƯ THUẬN NAM Với thắc mắc của bạn, VĂN PHÒNG LUẬT SƯ THUẬN NAM xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

– Luật đất đai 2013

– Bộ luật dân sự 2015

– Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

2. Giải quyết vấn đề:

Gia đình bạn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, điều này có nghĩa là gia đình bạn có quyền sử dụng, khai thác phần đất trong diện tích giấy chứng nhận theo đúng mục đích và theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 12 Luật Đất đai 2013 thì nghiêm cấm hành vi lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.

Lấn đất được hiểu và việc ngừi đang sử dụng đất tự dịch chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích tích đất. Còn chiếm đất là hành vi sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc sử dụng đất do nhà nước giao, cho thuê nhưng hết thời hạn giao, cho thuê đất không được nhà nước gia hạn sử dụng mà không trả lại đất hoặc sử dụng khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Theo thông tin bạn cung cấp, đất nhà bạn đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng nhà hàng xóm lấn chiếm một phần góc vườn nhà bạn rồi xây lên một quán nhỏ, gia đình bạn đã có ý kiến nhưng cơ sở xóm lúc đỏ giải quyết vẫn công nhận khu đất đó thuộc quyền sở hữu của nhà lấn chiếm. Từ năm 2014 đến nay, gia đình đó lại tiếp tục cơi nới đổ đất tràn cả sang phần đất trống của nhà bạn để mở rộng quán. Trong trường hợp này, nếu có căn cứ về việc gia đình có hành vi vi phạm bạn có thể yêu cầu giải quyết tranh chấp về đất đai. Ở đây, theo Điều 202 Luật đất đai 2013 thì tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. 

Theo đó, đầu tiên bạn làm đơn gửi ra Ủy ban nhân dân cấp xã để được hòa giải. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thời gian giải quyết hòa giải tranh chấp đất đai không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

Nếu đã thực hiện hòa giải tại ủy ban nhân dân xã nhưng không hòa giải được thì làm đơn khởi kiện căn cứ Điều 203 Luật đất đai 2013 như sau:

“Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;”

 

Như vậy, trong trường hợp này để đảm bảo quyền lợi cho gia đình bạn có quyền làm đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để giải quyết tranh chấp theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Bên cạnh đó, theo quy định của khoản 3, Điều 155 Bộ luật Dân sự 2015 thì đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013 thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Do đó, khi quyền sử dụng đất của gia đình bạn bị xâm phạm thì gia đình bạn vẫn có quyền khởi kiện mà không phụ thuộc vào thời hiệu còn hay hết. Về hồ sơ khởi kiện thì bạn chuẩn bị các giấy tờ sau:

– Đơn khởi kiện. Nội dung của đơn được quy định tại khoản 4, Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

– Bạn phải nộp thêm bản sao chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của gia đình bạn.

– Các biên bản giải quyết của cơ quan chức năng…;

– Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai tại cơ sở;

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nhà bạn. Kèm theo đó, bạn phải nộp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Tư vấn nêu trên chỉ được coi là tài liệu tham khảo. Quý khách hàng, người truy cập tuyệt đối không được coi là ý kiến pháp lý chính thức cuối cùng của Luật sư để giải quyết hoặc làm việc với bên thứ 3.

Tin Liên Quan