Hỏi về việc kinh doanh bắn súng hơi. Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến việc sử dụng vũ khí. Thế nào là súng hơi?

Tóm tắt câu hỏi:

Xin chào quý Luật sư! Tôi là người rất thích môn bắn súng hơi và tôi biết rất nhiều người đam mê môn này. Theo tôi biết thì Pháp luật không cho phép sử dụng cũng như lưu trữ. Tôi và nhiều người cũng từng hoặc đang là người của lực lượng vũ trang, và dĩ nhiên đam mê là rất lớn. Tôi có ý định đầu tư kinh doanh mô hình bắn súng hơi. Mô hình tôi dự kiến có nhiều thể loại, từ lò xo đến khí nén. Xin cho tôi hỏi điều kiện gì để tôi có thể thực hiện ý định của mình. Và tôi phải thực hiện thế nào? Xin cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến VĂN PHÒNG LUẬT SƯ THUẬN NAM Với thắc mắc của bạn, VĂN PHÒNG LUẬT SƯ THUẬN NAM xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

– Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12.

– Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.

2. Giải quyết vấn đề:

Khoản 1 Điều 13 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định:

“Vũ khí gồm vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự”.

Súng săn gồm súng hơi, súng kíp, súng tự chế, súng hỏa mai hoặc các loại súng khác dùng để săn bắn và các loại đạn, hạt nổ, thuốc nổ dùng cho các loại súng này. Do đó, loại súng hơi mà bạn muốn kinh doanh là một loại vũ khí.

Điều 5 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 quy định cấm các hành vi sử dụng và quản lý vũ khí như sau:

– Cá nhân sở hữu vũ khí, trừ vũ khí quy định tại khoản 4 Điều 3 của Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12.

– Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

– Lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xâm phạm sức khỏe, tính mạng; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

– Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng vũ khí được giao.

– Giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

– Cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

– Mang vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép.

– Vận chuyển, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không bảo đảm an toàn.

– Trao đổi, mua bán, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp giấy phép sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

– Mua bán trái phép, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp các loại phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

– Đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

– Hành vi khác vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Theo quy định trên sẽ cấm việc kinh doanh các loại vũ khí do đó bạn sẽ không được phép kinh doanh loại vũ khí này.

Tư vấn nêu trên chỉ được coi là tài liệu tham khảo. Quý khách hàng, người truy cập tuyệt đối không được coi là ý kiến pháp lý chính thức cuối cùng của Luật sư để giải quyết hoặc làm việc với bên thứ 3.

Tin Liên Quan